29/10/15



Bí mật sưu tập tiền cổ Việt Nam

Bí mật tiền xưa Việt Nam

Theo các nhà sưu tập tiền cổ Việt Nam, tiền giấy xuất hiện ở Việt Nam khá sớm so với thế giới, vào năm 1396 và tiền Việt Nam được phát hành lần đầu vào giữa thế kỷ 10, thời kỳ nhà nước Đại Cồ Việt dưới sự trị vì của Đinh Bộ Lĩnh. Thời phong kiến, gần như mỗi đời vua lại cho phát hành loại tiền mới.


Nhiều khi, mỗi lần thay đổi niên hiệu, vua lại cho phát hành loại tiền mới. Suốt một thời gian dài, tiền kim loại là thứ tiền duy nhất và mô phỏng theo tiền kim loại của các triều đình Trung Quốc. Một số khác sử liệu không hề nhắc đến, nhưng khảo cổ học lại phát hiện ra và sau đó được các nhà sử học xác minh thêm.

Nhiều đồng tiền cổ được một số tư liệu cho là có, nhưng chưa được khảo cổ học kiểm chứng. Sử liệu cho thấy trong một số đời vua, trong một số niên hiệu, và một số thủ lĩnh tự xưng vua có phát hành tiền, nhưng không nói rõ tiền gì trong khi khảo cổ học cũng không tìm ra tiền nào cho các thời đó. Désiré Lacroix trong Tiền cổ học An Nam, với sưu tập 40 hình vẽ công bố năm 1900 nhắc đến một số đồng tiền cổ của Việt Nam và còn miêu tả hình thù, nhưng không đưa ra tài liệu lịch sử hay bằng chứng khảo cổ nào hỗ trợ.

+ Mặt trước:
Ngoại trừ tiền giấy phát hành dưới thời Hồ Quý Ly, tiền cổ của Việt Nam đều được đúc bằng kim loại dạng hình tròn với lỗ vuông ở chính giữa. Mặt chính của đồng tiền có các chữ Hán mà ít nhất có hai chữ (vị trí 1 và 2) thường là niên hiệu của nhà vua và hai chữ sau (vị trí 3 và 4) dùng để chỉ loại tiền.

Cũng có thể có loại tiền không có hai chữ này. Vị trí của bốn chữ đôi khi viết theo chiều thuận của kim đồng hồ và đôi khi viết theo kiểu chéo. Mặt trước của đồng tiền, viền tròn của rìa tiền và viền vuông của lỗ tiền thường được viền nổi để giảm bớt sự hao mòn của chữ đúc và việc mài dũa mặt tiền để lấy bớt chất đồng của kẻ gian.

+ Mặt sau:
Mặt sau của tiền thường không có chữ, tuy nhiên một số nhỏ có chữ để chỉ một trong các ý nghĩa sau:

Triều đại nhà vua, như chữ Ðinh của tiền Thái Bình hưng bảo, chữ Lê của tiền Thiên Phúc Trấn Bảo của nhà Tiền Lê, chữ Trần của tiền Thiệu Phong thông bảo của vua Trần Dụ Tông. Hoặc năm phát hành của tiền, như Nhâm Tuất của tiền Cảnh Hưng Thông Bảo để chỉ tiền đúc trong năm Nhâm Tuất 1742, như chữ Tỵ của tiền Vĩnh Thịnh Thông Bảo để chỉ năm đúc Qúy Tỵ 1713. Hoặc lòng yêu qúy của vua như chữ Càn Vương, để chỉ Càn Vương Lý Nhật Trung là con vua Lý Thái Tông, trên tiền Thiên Cảm Thông Bảo của Lý Thái Tông.

Hoặc nơi đúc đồng tiền như Hà Nội hoặc Sơn Tây trên tiền Tự Ðức Thông bảo, như chữ Công cho Bộ Công - một trong 6 Bộ - trên tiền Quang Trung Thông Bảo hoặc một chữ có ý nghĩa tốt đẹp như chữ Chính, để chỉ đến chính pháp công bằng, trên tiền Quang Trung Thông Bảo hoặc mang những ký hiệu đặc biệt đánh dấu đợt tiền đúc, như 4 hình cong úp vào hay vểnh ra từ lỗ vuông của tiền Quang Trung Thông Bảo, như 1 dấu chấm và 1 dấu hình cong tượng trưng cho 2 chữ Nhật Nguyệt, tức chữ Minh, để tưởng nhớ nhà Minh, trên tiền Thái Bình Thông Bảo do Mạc Thiên Tứ đúc ở Hà Tiên hoặc ghi trọng lượng của tiền như chữ Thất Phân trên tiền Gia Long Thông Bảo hoặc ghi trị giá ấn định của tiền như chữ Lục Văn trên tiền Tự Ðức Thông Bảo.

+ Kích thước và trọng lượng:
Các đồng tiền cổ có đường kính trung bình từ 22mm- 24mm, những đồng lớn có đường kính 25 - 26mm (như tiền Thành Thái thông bảo) và những đồng nhỏ 18 - 20mm (như đồng Bảo Ðại thông bảo).

Kích thước của lỗ vuông trung bình vào khoảng 5 mm, nhưng cũng có những đồng tiền có lỗ vuông to đến 7 mm như trường hợp tiền ngoại thương Trường Kỳ tiêu dùng ở Hội An vào thế kỷ 17. Chiều dày của tiền cổ thường vào khoảng 0,5mm, ngoại lệ tiền Ðoan Khánh thông bảo của Lê Uy Mục dày đến 1 mm.

Ðường kính và bề dày là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến trọng lượng của đồng tiền. Những đồng tiền có kích thước và trọng lượng cân đối vừa đủ, không quá dày nặng sẽ dễ dàng trong việc tiêu dùng. Tiền quá nhẹ mỏng thì dễ gãy vỡ. Với kích thước trung bình như trên, trọng lượng khoảng 3,5 - 4 gram là vừa phải. Tiền Ðoan Khánh Thông Bảo của Lê Uy Mục được coi là ngoại cỡ so với các đồng tiền khác, vừa dày vừa to, có đồng nặng đến 6,2 gram.

+ Tên gọi tiền cổ:
Hai chữ ở vị trí 1 và 2 trên đồng tiền thường là niên hiệu của vị vua cho đúc tiền. Hai chữ này do đó thường phản ánh thời gian tiền được đúc.

Các chữ thứ 3 và thứ 4 trên đồng tiền có ý nghĩa, nguồn gốc khác nhau, trong đó có những chữ noi theo cách gọi của tiền cổ do các triều đại Trung Quốc phát hành; hoặc do hoàn cảnh, sự kiện lịch sử đương thời; hoặc đơn giản chỉ là hàm ý nhấn mạnh giá trị đồng tiền:

Thông bảo là chữ thường thấy nhất trên các đồng tiền, nghĩa là đồng tiền lưu hành thông dụng. Hai chữ này xuất hiện đầu tiên trong tiền Khai Nguyên Thông Bảo do Đường Cao Tổ của Trung Quốc đúc năm 621.

- Nguyên bảo: tiền mới đầu tiên
- Đại bảo: tiền có giá trị lớn

Ngoài những chữ trên hay được dùng, còn có những chữ khác đúc trên tiền cổ là:

Vĩnh bảo: tiền lưu thông mãi mãi
Chí bảo: tiền cao quý nhất. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ "chí bảo" là tiền Gia Định Chí Bảo của Tống Ninh Tông (1208-1224).
Chính bảo: tiền chính thống. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ "chính bảo" là tiền Gia Định Chính Bảo của Tống Ninh Tông (1208-1224).
Cự bảo: tiền có giá trị to
Trọng Bảo: Đồng tiền trọng yếu. Đồng tiền đầu tiên dùng hai chữ "trọng bảo" là tiền Càn Nguyên Trọng Bảo của Đường Túc Tông (758-759).
Thuận Bảo: tiền của vua Lê Hiển Tông, kỷ niệm dịp chiếm đóng Thuận Hóa và lấy súng đồng của chúa Nguyễn ở Thuận Hoá mà đúc thành tiền...
vv...
+ Đơn vị và mệnh giá:
- Đơn vị đếm:
Tiền kim loại cổ của Việt Nam cũng giống như tiền kim loại của Trung Quốc đương thời có hình tròn có lỗ ở giữa để xỏ dây qua. Tiền kim loại khi dùng đơn độc thì gọi là văn. Khi cần dùng nhiều văn thì người ta thường luồn một sợi dây (gọi là "cưỡng", "mân", "quán") qua cái lỗ trên văn tạo thành dây tiền. "Cưỡng", "mân", "quán" được dẫn thân làm đơn vị tính toán tiền. Số văn tương ứng với "cưỡng", "mân", "quán" giữa các triều đại là không giống nhau. "Bách" là dạng viết đại tả của chữ "bách" có nghĩa là một trăm ban đầu được dùng để chỉ 100 văn nhưng về sau thì một bách không nhất định là bằng 100 văn.

Năm Kiến Trung thứ 2 (Tây lịch năm 1266) vua Trần Thái Tông hạ chiếu cho dân gian dùng "sảnh bách", mỗi bách là 69 văn. Tiền nộp cho nhà nước (thượng cung tiền) thì mỗi bách là 70 văn.

Ðời nhà Nguyên, người Việt mua bán ở biên giới Trung Quốc thì dùng đơn vị 1 mân bằng 67 văn.

Năm Thuận Thiên nguyên niên (Tây lịch năm 1428), triều Lê cho đúc tiền Thuận Thiên thông bảo, quy định 50 văn là một bách.
Năm Thiệu Bình thứ 6 (Tây lịch năm 1439), Lê Thái Tông hạ chiếu quy định 60 văn là một bách.

Thời Nam Bắc triều, chiến tranh đã khiến đồng tiền được đúc nhỏ dần so với những đồng tiền cổ đời trước.

Tiền nhỏ bấy giờ gọi là sử tiền biệt xưng là "tiền nhàn" (nhàn tiền), còn tiền cổ to gọi là cổ tiền, biệt xưng là "tiền quý" (quý tiền). Mỗi bách sử tiền là 36 văn, mỗi bách cổ tiền là 60 văn.

Mười bách là một quán. Một quán sử tiền (10 bách sử tiền) bằng 6 bách cổ tiền, tức là bằng 360 văn. Một quán cổ tiền (10 bách cổ tiền) bằng 1 quán 6 bách 24 văn sử tiền, tức là bằng 600 văn.
Ðơn vị tiền tệ ở Đại Việt thay đổi khi tiền kẽm bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ 18 bởi nhiều lý do [3] Một văn tiền đồng ăn 3 văn tiền kẽm.
Khi vua Gia Long thành lập nhà Nguyễn, đã cho đúc cả hai thứ tiền đồng và tiền kẽm. Giá trị tiền kẽm lúc ban đầu không khác biệt tiền đồng, nhưng dần dần tiền đồng ăn 2 tiền kẽm, rồi 3, rồi 6, cho đến đời vua Thành Thái, tiền Thành Thái Thông Bảo Thập Văn ăn ngang 10 tiền kẽm.

Hiện nay các đơn vị hoá tệ này thường bị gọi bằng các đơn vị hoá tệ thông dụng ở Việt Nam thời cận hiện đại, cụ thể "văn" bị gọi là "đồng", "bách" gọi là "tiền", "cưỡng", "mân", "quán" gọi là "quan" (biến âm của "quán").

Từ thời Pháp thuộc, ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện các đơn vị đếm là hào, xu (sou), trinh, cắc (đọc chệch âm chữ "giác"), đồng [biến chữ "đồng" trong "đồng tiền" (tiền làm bằng đồng) từ tên gọi của một thứ kim loài trở thành lượng từ dùng để đo đếm tiền nong]. Tiền Việt Nam kể từ sau khi đất nước giành độc lập có các đơn vị đếm là đồng, hào và xu. Một đồng bằng mười hào. Một hào bằng mười xu. Hiện nay, tiền giấy và tiền kim loại chỉ được phát hành với một đơn vị đếm duy nhất là đồng.

- Mệnh giá:
Tiền cổ thường chỉ có một mệnh giá, đó là 1 văn. Một bách là một xâu tiền 1 văn. Và một mân thường là mười xâu một bách. Tiền giấy do nhà Hồ có nhiều mệnh giá khác nhau. Mệnh giá nhỏ nhất là 10 văn. Mệnh giá lớn nhất là 1 văn. Tiền kim loại từ thời nhà Nguyễn cũng bắt đầu có các mệnh giá khác nhau. Tiền Việt Nam hiện nay còn lưu hành loại có mệnh giá thấp nhất là 200 đồng, loại có mệnh giá cao nhất là 500.000 đồng (tiền polymer).

+ Chất liệu:
Tiền cổ Việt Nam có nhiều loại: Đồng tiền (có nghĩa là tiền đồng): là kim loại thông dụng nhất dùng đúc hầu hết tiền cổ của Việt Nam. Ðây là một hợp kim của đồng gồm thêm kền, sắt, thiếc mà thành phần rất thay đổi bởi kỹ thuật luyện kim thời xa xưa chưa được tiêu chuẩn hóa. Tác giả Tạ Chí Ðại Trường đã trích dẫn một bảng kết quả phân tích thành phần hóa học của tiền Trị Bình Nguyên Bảo gồm 64,3% đồng, 22% chì, 0,15% thiếc và 0,28% sắt. Ðến thời nhà Nguyễn, nhờ kiến thức phát triển hơn, đồng dùng đúc tiền chỉ gồm đồng và kẽm theo tỷ lệ 6/4, 7/3 hay 8/2.

Tiền đúc bằng kẽm: kẽm là kim loại thông dụng thứ nhì sau đồng được dùng để đúc tiền, nhất là từ thế kỷ 17 trở về sau. Như hợp kim đúc tiền đồng, người ta sử dụng những tạp chất có thành phần kẽm khá cao, gọi chung là ô diên mà đúc tiền. Lacroix Désiré dẫn từ Agenda du chimiste của Ad Wurtz cho thấy thứ kẽm tạp này chứa 56% đồng, 24% kền, 18% kẽm, 4% sắt và 3% thiếc. Tương tự tiền đồng, triều đình nhà Nguyễn cũng biết tinh luyện kẽm hoặc mua kẽm nguyên chất từ nước ngoài mà đúc tiền.

Duyên tiền ( tiền đúc bằng chì): chì là kim loại mềm được pha thêm kim loại khác để có một hợp kim đúc tiền chì. Loại tiền có lượng chì cao khá mềm, đặt nhẹ giữa hai ngón tay, ấn nhẹ là đồng tiền có thể bị bẻ cong. Hiện nay, hơn 400 mẫu tiền chì Việt Nam đã được nhận diện nhưng nguồn gốc của thứ tiền này vẫn còn là một nghi vấn chưa được giải đáp thỏa đáng.

Thiết tiền (tiền sắt): Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, khi Mạc Đăng Dung lấy ngôi vua của nhà Hậu Lê, sử thần cho rằng nhà Mạc không được lòng trời nên đúc tiền đồng không thành mà phải đúc tiền sắt để tiêu dùng. Ðó là lần đầu tiên tiền sắt được nhắc đến.

Tuy vậy, di chỉ khảo cổ hiện đại cho thấy không có tiền sắt Minh Ðức Thông Bảo của nhà Mạc, mà chỉ thấy tiền đồng. Và trong tiền cổ Việt Nam có một số mẫu tiền đồng nhưng lại rỉ sét đỏ khá bất thường của sắt, nhất là tiền Hồng Ðức Thông Bảo và Minh Ðức Thông Bảo.

Các nhà nghiên cứu đặt giả thiết, có thể vào lúc đó, hợp kim đồng có chứa nhiều sắt hơn lúc bình thường được sử dụng, vì ngẫu nhiên hoặc vì cho dễ đúc, chứ không có loại tiền sắt.

THÔNG TIN CHỦ SHOP

Điện thoại: 090.252.4389 - 093.3915.896
Địa chỉ văn phòng: Cưới cafe: 466/49 Lê Văn Sỹ. (Tới số 420 Lê Văn Sỹ quẹo vô hẻm số 448 (là hẻm đối diện KFC) đi tới cuối hẻm quẹo phải là thấy ngay Cưới cafe)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Back to Top